Trong bài thi IELTS, Reading thường là kỹ năng gây nhiều khó khăn, dễ gây mất điểm cho người học bởi bài thi này yêu cầu thí sinh nắm được các kỹ thuật làm bài cùng vốn từ vựng đa dạng. Nhằm giúp thí sinh đạt kết quả tốt trong IELTS Reading dạng bài True/False/Not Given, trong bài viết sau tác giả sẽ giới thiệu những lỗi sai phổ biến thí sinh hay mắc phải và những gợi ý khắc phục.
Người đọc có thể tìm hiểu về IELTS Reading dạng bài True/False/Not Given và phương pháp làm dạng bài này tại bài viết: Phương pháp làm bài IELTS Reading dạng True, False và Not Given
Những lỗi sai phổ biến của người học ở dạng True/False/Not given
Không nhận xác định được các thông tin Not given
Rất nhiều người đọc gặp khó khăn khi nhận diện đáp án Not given. Điều này bởi vì trong bài đọc thực tế, một số câu hỏi Not given sẽ không rõ ràng và rạch ròi so với bài đọc mà sẽ thường có sự liên quan đến bài đọc. Tuy nhiên tác giả sẽ khéo léo lồng ghép thông tin bên ngoài vào thông tin trong bài đọc, đòi hỏi người đọc cần sáng suốt khi đánh giá thông tin. Nếu thiếu cẩn thận người đọc rất dễ nhầm lẫn và lựa chọn đáp án True hoặc False.
Cách khắc phục:
Khi làm bài dạng này, điều quan trọng người đọc cần xác định xem liệu đã đủ dữ kiện để xác định câu hỏi là True hay False chưa. Nếu câu hỏi có thông tin liên quan đến bài nhưng không rõ ràng và không bám sát nội dung bài đọc, thí sinh cần cân nhắc đáp án Not given.
Một trong những lý do khiến thí sinh dễ bị đánh lừa chính là lơ là những chi tiết chỉ tần suất/số lượng/khả năng các hành động/sự kiện được đề cập trong câu hỏi.
Ví dụ:
- Thông tin trong bài đọc: More educated women not only want fewer children than less educated ones, they are also more likely to marry and have children later, contributing to smaller family size. (Dịch: Những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn không chỉ muốn có ít con hơn những người học thấp mà họ còn có nhiều khả năng kết hôn và sinh con muộn hơn, góp phần làm quy mô gia đình nhỏ hơn.)
- Câu hỏi: More educated women tend to have just two children. (Dịch: Những người phụ nữ có trình độ học vấn cao thường chỉ có 2 người con.)
- Đáp án: Not given
Lý do đáp án trên là Not given là bởi bài đọc chỉ đề cập đến việc những người phụ nữ có học thức cao hơn thường muốn sinh ít con hơn, chứ không nói đến số lượng con mong muốn là bao nhiều. Có thể những người phụ nữ ấy muốn sinh chỉ 2 người con, nhưng bài đọc không cung cấp đủ dữ kiện để khẳng định điều đó. Vì thế không thể đánh giá câu hỏi này đúng hay sai được.
Một yếu tố khác mà thí sinh cần lưu ý đó là chủ thể thực hiện hành động/sở hữu tính chất. Đôi khi câu hỏi sẽ được khéo léo lồng ghép những nội dung khác vào để đánh lừa thông tin về người thực hiện hành động/sở hữu tính chất, dễ dẫn đến đáp án sai nếu người đọc bất cẩn.
Ví dụ:
- Thông tin trong bài đọc: The first chess boxing world championship took place in 2003 in Amsterdam and was won by a Dutchman, Lepe Rubingh. (Dịch: Chức vô địch thế giới boxing cờ vua đầu tiên diễn ra vào năm 2003 tại Amsterdam và đã được chiến thắng bởi một người Hà Lan, lepe Rubingh.
- Câu hỏi: Lepe Rubingh invented chess boxing. (Dịch: Iepe Rubingh phát minh ra boxing cờ vua.)
- Đáp án: Not given
Lý do đáp án trên là Not given là bởi trong bài đọc, nhân vật ‘Iepe Rubingh’ được nhắc đến là nhà vô địch môn ‘chess boxing’ chứ không hề phủ định hay khẳng định nhân vật này là người tạo ra bộ môn này. Có thể Iepe Rubingh sáng tạo ra chess boxing, kiêm luôn nhà vô địch của bộ môn này. Vì thế, vẫn không đủ dữ kiện để khẳng định đáp án là đúng hay sai.
Ngoài ra, trong dạng bài True/False/Not given, thông thường sẽ có ít nhất một đáp án là Not given. Vì thế, nếu đáp án của thí sinh hoàn toàn là True và False, thí sinh cần kiểm tra thật kỹ lại các đáp án của mình.
Phụ thuộc quá nhiều vào xác định keywords
Xác định keywords là một kỹ thuật hữu ích và quan trọng trong kỹ năng reading. Tuy nhiên, rất nhiều người đọc chỉ dựa vào từ khóa mà không phân tích kỹ ngữ nghĩa của thông tin trong bài đọc. Đôi khi các từ ngữ trong câu hỏi và bài đọc có thể giống nhau, nhưng ngữ nghĩa của chúng sẽ không khớp với nhau. Trong dạng bài True/False/Not given, việc hiểu rõ nghĩa của nội dung là một trong những điều kiện tiên quyết để dẫn đến đáp án chính xác.
Cách khắc phục:
Trước tiên, người đọc cần chắc chắn nắm rõ nội dung mà câu hỏi đặt ra. Nhận diện keywords là kỹ thuật quan trọng, tuy nhiên chúng chỉ nên được sử dụng để xác định vị trí của thông tin trong bài đọc, thí sinh không nên dựa dẫm quá nhiều vào keywords để đưa ra đáp án.
Một khi đã xác định được thông tin nằm ở đâu, thí sinh nên xem xét những thông tin xung quanh vị trí đó xem nội dung mình cần tìm kiếm là gì, có khớp với câu hỏi không.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, khi sử dụng keywords trong câu hỏi để tìm kiếm thông tin trong bài đọc, thí sinh cần trước tiên nắm rõ nội dung mà câu hỏi muốn truyền tải bởi keywords có thể được tìm thấy không chỉ một lần trong bài đọc. Nếu xác định thiếu cẩn thận có thể dẫn đến sai sót trong quá trình tìm kiếm vị trí chính xác của thông tin.
Ví dụ:
- Thông tin trong bài đọc: She has done really well in many national competitions and her dream is to win an Olympic gold medal one day. (Dịch: Cô ấy đã thực hiện rất tốt trong nhiều cuộc thi quốc gia và ước mơ của cô ấy là một ngày nào đó sẽ giành được huy chương vàng Olympic.)
- Câu hỏi: Aimee has won an Olympic medal. (Dịch: Aimee đã từng chiến thắng huy chương vàng Olympic.)
- Đáp án: False
Có thể thấy trong câu hỏi lẫn bài đọc đều xuất hiện những từ khóa như ‘She’ – ở đây là nhân vật ‘Aimee’ – hay ‘Olympic medal’. Tuy nhiên, nếu xét về ngữ nghĩa, câu hỏi không phản ánh đúng những gì mà nội dung bài đọc truyền tải.
Không chuẩn bị tốt kiến thức về paraphrase
Trong bài thi Reading, những câu hỏi thường paraphrase (diễn đạt nội dung bằng cách khác) nên người đọc cần chuẩn bị và luyện tập kỹ để có thể nhận diện những từ đã được paraphrased.
Người ra đề có thể sử dụng synonyms (từ đồng nghĩa), hyponyms (hạ vị),… hoặc một cách diễn đạt khác để tránh nhắc lại hoàn toàn những từ trong bài. Tuy nhiên, một số thí sinh luôn tập trung đi tìm những keywords giống hệt trong câu hỏi, dẫn đến việc không tìm được nội dung mong muốn.
Cách khắc phục
Để có thể nâng cao kỹ năng nhận dạng các từ đã được paraphrased, người đọc có thể luyện tập kỹ lưỡng kỹ thuật lập bảng từ vựng. Bảng này được chia ra hai nhóm:
- Các từ vựng trong câu hỏi
- Các từ với ý nghĩa tương đồng trong bài đọc.
Với cách làm này, sau mỗi bài đọc, thí sinh có thể tích lũy thêm những từ vựng mới, đồng thời có thể luyện tập tốt hơn kỹ thuật paraphrase.
Đọc thêm: Paraphrasing là gì – 4 Cách Paraphrase trong IELTS Writing Task 2
Ví dụ:
- Thông tin trong bài đọc: Native to the Amazon and Orinoco River basins, it requires a humid climate and regular rainfall. (Dịch: Có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon và sông Orinoco, nó yêu cầu khí hậu ẩm ướt và lượng mưa thường xuyên.)
- Câu hỏi: The cacao plant prefers wet weather. (Dịch: Cây cacao thích thời tiết ẩm ướt.)
- Đáp án: True
Trong câu hỏi, từ “requires” đã được chuyển thành “prefers”, và “humid climate” đã được paraphrased thành “wet weather”. Tuy các cặp từ này không hoàn toàn giống nghĩa của nhau, nhưng với cách diễn đạt phù hợp vẫn truyền tải được nội dung bài đọc. Với câu hỏi như trên, sau khi kết thúc bài đọc, thí sinh có thể liệt kê các từ trong bảng từ vựng như sau:
Các từ vựng trong câu hỏi |
Các từ với ý nghĩa khá tương đồng trong bài đọc |
Require |
Prefer |
Humid climate |
Wet weather |
Kết luận
Việc chinh phục bài thi IELTS Reading dù không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu thí sinh cố gắng luyện tập và trang bị cho mình những kỹ thuật hữu ích, bài thi đọc hiểu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đối với dạng bài True/False/Not given, việc nắm rõ ý nghĩa của nội dung trong cả bài đọc lẫn câu hỏi là điều vô cùng quan trọng để đánh giá sự chính xác của thông tin.
Để làm tốt dạng bài True/False/Not given trong IELTS Reading, thí sinh có thể tham khảo khóa học IELTS cam kết đầu ra 5.5 IELTS tại ZIM.
Trịnh Quỳnh Anh