P.I.E Paragraph Structure (cấu trúc P.I.E) là một trong các cấu trúc thông dụng nhất khi viết một đoạn văn bằng tiếng Anh. Cấu trúc này được giới thiệu bởi nhiều trường đại học trên thế giới vì nó giúp sinh viên sắp xếp câu từ trong đoạn văn hợp lý, mạch lạc. Bài viết sau sẽ giới thiệu cho người đọc cấu trúc P.I.E, sau đó sẽ phân tích dạng bài 2-part question trong IELTS Writing task 2 và cách áp dụng cấu trúc P.I.E vào dạng bài này.
Xem thêm: Cấu trúc câu phổ biến trong IELTS Writing Task 2
Cấu trúc P.I.E là gì?
Cấu trúc P.I.E là một cách để cấu thành một đoạn văn và có thể sử dụng ở hầu hết tất cả các loại bài phân tích hay tranh luận. Cấu trúc này đặc biệt hiệu quả nếu như người viết gặp vấn đề về việc tổ chức bố cục cho đoạn văn hoặc có xu hướng tóm tắt các ý của mình. P.I.E là viết tắt của ba từ:
- P: Point (quan điểm)
- I: Information (thông tin)
- E: Explanation (giải thích)
Cấu trúc P.I.E giúp người viết sắp đặt ý tưởng (quan điểm và giải thích) của mình trong phần quan trọng nhất của đoạn văn – mở đoạn và kết đoạn. Các thông tin hỗ trợ sẽ được đưa vào giữa, hỗ trợ cho quan điểm và giải thích của người viết.
Make a Point
Đây là phần quan trọng nhất của đoạn văn. Người viết cần phải chắc chắn rằng đoạn văn của mình có một quan điểm và nó phải được đưa vào câu đầu tiên của đoạn văn (topic sentence). Một vài câu hỏi người viết có thể sử dụng để chắc chắn rằng đoạn văn của mình có một quan điểm:
- Quan điểm của đoạn văn này là gì?
- Vấn đề gì đang được phân tích trong đoạn văn?
- Đoạn văn này đang chứng minh hoặc thảo luận vấn đề gì?
Give information
Sau khi đã có quan điểm rõ ràng, bước kế tiếp sẽ là cung cấp thông tin để hỗ trợ cho quan điểm ban đầu. Những thông tin đó có thể là:
- Sự thật, nguyên nhân, ví dụ.
- Những kinh nghiệm cá nhân.
Make an explanation
Lời giải thích là sự phân tích, đánh giá, giải thích quan điểm và thông tin đã được nêu ra. Nói cách khác, đây là giai đoạn mà người viết phải cho thấy được kết nối giữa quan điểm và thông tin minh đã viết. Lời giải thích là quan điểm cá nhân của người viết, nó không cần phải được trích từ bất kì một loại tài liệu nào. Khi ở giai đoạn này, người viết nên tự hỏi mình các câu hỏi sau:
- Những thông tin được đưa ra để làm gì?
- Chúng liên quan đến quan điểm như thế nào?
- Tại sao thông tin này lại đủ quan trọng, ý nghĩa để hỗ trợ cho quan điểm?
Dạng bài 2-part question
Dạng bài 2-part question là một trong các dạng bài thường thấy ở IELTS Writing task 2, nó có 2 đặc điểm chính:
- Có một lập luận và hai câu hỏi liên quan đến lập luận này sau đó.
- Hai câu hỏi có thể hoặc không liên quan đến nhau.
Ví dụ:
Some parents buy their children whatever they ask for, and allow their children to do whatever they want. Is this a good way to raise children? What consequences could this style of parenting have for children as they get older?
Một vài bố mẹ mua cho con của họ bất cứ gì mà chúng yêu cầu, và họ cho phép con họ làm bất cứ điều gì mà chúng muốn. Đây có phải một cách tốt để nuôi dạy con cái? Phong cách nuôi dạy con cái này có thể dẫn đến những kết quả gì khi chúng lớn lên?
Như có thể thấy ở ví dụ trên, dạng bài này yêu cầu người viết trả lời cả hai câu hỏi. Điều này rất quan trọng vì bài viết sẽ không đạt điểm cao ở tiêu chí Task Response nếu như chỉ trả lời 1 trong 2 câu. Ở ví dụ trên, 2 câu hỏi mà người viết cần trả lời là:
- Câu đầu tiên, câu hỏi yêu cầu người viết ra một quan điểm cụ thể: việc nuôi dạy trẻ theo cách trên là có tốt hay không? Ở trường hợp này, vì chỉ giới hạn câu trả lời trong một đoạn văn, người viết cần lưu ý tránh trường hợp liệt kê cả mặt tốt lẫn xấu trong đoạn văn của minh. Thay vào đó, người viết chỉ nên chọn một phía của vấn đề (tốt hoặc xấu) và lập luận ủng hộ cho quan điểm đó của mình.
- Câu thứ hai có phần đơn giản hơn, người viết được giao một tình huống (nuôi dạy trẻ) và được yêu cầu trả lời những hậu quả của tình huống này.
Người viết cần lưu ý hai hai câu hỏi này có liên quan đến nhau. Việc lưu ý này là quan trọng vì để mạch văn của người viết được trôi chảy, dễ hiểu (quan trọng cho việc đạt được điểm tốt trong tiêu chí Task Response và Cohesion & Coherence), cả 2 câu trả lời của người viết đều phải liên quan, hỗ trợ lẫn nhau. Có hai trường hợp trong dạng bài 2-part question mà người viết nên lưu ý:
- Người viết nếu nêu ý kiến rằng đây là cách nuôi dạy con không tốt thì phải nêu những hậu quả xấu mà cách nuôi dạy này có thể mang lại cho con.
- Nếu chọn đây là cách tốt, người viết cần phải nêu ra được những kết quả tích cực khi trả lời câu hỏi thứ hai.
Để đơn giản cho người viết, bài viết sẽ được chia ra làm các phần như sau:
- Đoạn 1: Mở bài
- Đoạn 2: Trả lời câu hỏi thứ 1
- Đoạn 3: Trả lời câu hỏi thứ 2
- Đoạn 4: Kết bài
Xem thêm: Hướng dẫn viết kết bài IELTS Writing Task 2 từ band 5 đến band 8
Áp dụng cấu trúc PIE vào thân bài trong dạng bài 2-part question
Cấu trúc P.I.E nói trên chỉ có thể áp dụng cho phần thân bài (đoạn 2 & 3), nơi người viết được yêu cầu phải nêu ra quan điểm và ủng hộ quan điểm của mình bằng các lập luận khác nhau.
Vì lí do này, bài viết sau đây sẽ tập trung hướng dẫn cách viết thân bài cho dạng bài này. Sau đây, tác giả sẽ sử dụng bài mẫu của tác giả Simon – một cựu giám khảo IELTS để đưa ra ví dụ cụ thể cách áp dụng cấu trúc P.I.E vào một đoạn thân bài dạng bài 2-part question của IELTS Writing.
Viết câu mở đoạn (topic sentence)
Theo cấu trúc P.I.E, câu đầu tiên trong đoạn văn ở phần thân bài sẽ là câu chủ đề (Topic sentence). Câu chủ đề là câu có thể tóm tắt ý chính của một đoạn văn. Vì vậy, trước khi bắt đầu viết thân bài, người viết cần phải suy nghĩ về chủ đề của mỗi đoạn văn. Câu chủ đề sẽ thường được viết ở dạng câu đơn để truyền tải thông điệp một cách chính xác. Ở trong trường hợp dạng bài 2-part question, câu chủ đề của mỗi đoạn sẽ trả lời lần lượt cho câu hỏi thứ nhất và thứ hai ở đề bài. Sử dụng đề bài sau làm ví dụ:
There are many different types of music in the world today. Why do we need music? Is the traditional music of a country more important than the international music that is heard everywhere nowadays?
Có rất nhiều loại hình âm nhạc khác nhau trên thế giới ngày nay. Tại sao chúng ta cần âm nhạc? Có phải âm nhạc truyền thống của một quốc gia quan trọng hơn âm nhạc quốc tế đang được nghe ở khắp mọi nơi ngày nay?
Ở ví dụ này, đoạn văn đầu tiên trong phần thân bài của người viết sẽ phải trả lời câu trả lời câu hỏi tại sao chúng ta lại cần âm nhạc. Vậy, câu chủ đề của đoạn văn này sẽ là (những) lí do này.
Ví dụ:
Music is something that accompanies all of us throughout our lives (Âm nhạc là thứ đồng hành cùng tất cả chúng ta trong suốt cuộc đời).
Lưu ý: Trường hợp người viết có nhiều hơn một lý do, có thể viết câu mở đoạn sao cho người đọc có thể biết được là đoạn này đang trả lời câu hỏi đầu tiên.
Gợi ý: The role of music is greatly significant in today’s society (Vai trò của âm nhạc có ý nghĩa to lớn trong xã hội ngày nay).
Đoạn văn thứ hai sẽ trả lời câu hỏi âm nhạc truyền thống có quan trọng hơn âm nhạc quốc tế hay không. Câu chủ đề của đoạn văn này sẽ trực tiếp trả lời là có hay không.
Ví dụ: In my opinion, traditional music should be valued over the international music that has become so popular. (Theo tôi, âm nhạc truyền thống nên được coi trọng hơn âm nhạc quốc tế đã trở nên phổ biến).
Xem thêm: Câu chủ đề là gì? Cách viết câu chủ đề trong IELTS Writing Task 2
Đưa ra thông tin
Sau khi đã trình bày chủ đề của đoạn văn, bước kế tiếp trong cấu trúc P.I.E sẽ là đưa ra các thông tin để ủng hộ, chứng minh, làm rõ hoặc ví dụ cho quan điểm đó. Như đã trình bày bên trên, các thông tin đó có thể là:
- Sự thật, nguyên nhân, ví dụ.
Sử dụng các sự thật, kiến thức xã hội để chứng minh cho quan điểm của mình. Đây là cách rất thông dụng và hiệu quả vì có thể sử dụng để thuyết phục tất các đối tượng người đọc, không yêu cầu người đọc phải có kiến thức chuyên sâu về chủ đề bài viết.
- Những kinh nghiệm cá nhân.
Người viết có thể sử dụng kinh nghiệm cá nhân của mình để thuyết phục người khác.
Ví dụ: I think it is a brilliant idea for employers to check the job applicants’ online profiles in order to have a better understanding of the applicant’s personality. As a recruiter, my colleagues and I usually look at the content people put on social media platforms to know more about the candidate’s prior experience or their personality, which would tell if the candidates could fit the company’s culture or not
(Tôi nghĩ rằng nhà tuyển dụng nên kiểm tra hồ sơ trực tuyến của ứng viên để hiểu rõ hơn về tính cách của ứng viên. Là một nhà tuyển dụng, tôi và các đồng nghiệp thường xem nội dung mà mọi người đưa lên các nền tảng mạng xã hội để biết thêm về kinh nghiệm trước đây của ứng viên hoặc tính cách của họ, điều này sẽ cho biết liệu ứng viên có phù hợp với văn hóa của công ty hay không).
Tuy nhiên, khi sử dụng ví dụ cá nhân người viết không nên vội vàng rút ra kết luận quá tổng quan (overgeneralized) chỉ dựa vào một ví dụ của cá nhân.
Ví dụ:
My younger brother plays video games all day, which suggests that the number of teenagers playing games nowadays has increased compared to 10 years ago
(Em trai tôi chơi trò chơi điện tử suốt ngày. Điều này có nghĩa là số lượng thanh thiếu niên chơi điện tử so với 10 năm về trước đã tăng lên).
Luận điểm được đưa ra trong câu văn này mang tính chủ quan rất cao bởi đây là một thông tin được đưa ra dựa trên quan sát cá nhân chưa được kiểm chứng cụ thể của người viết.
Tuỳ theo sự lựa chọn của người viết mà có thể chọn một hoặc nhiều hơn các dạng thông tin trên để đưa vào bài viết của mình. Tuy nhiên, vì giới hạn từ và thời gian cho một đoạn văn, người viết cần biết chọn lọc thông tin nào là quan trọng và giúp cho quan điểm của mình được củng cố một cách mạnh mẽ nhất. Việc này cũng sẽ tùy thuộc vào ý tưởng trung tâm của đoạn văn. Tiếp tục với ví dụ trên, sau khi đã trình bày quan điểm chính của đoạn văn, tác giả sẽ đưa những thông tin, luận điểm sử dụng để hỗ trợ cho quan điểm chính.
Ví dụ: Music is something that accompanies all of us throughout our lives. As children, we are taught songs by our parents and teachers as a means of learning language, or simply as a form of enjoyment. Children delight in singing with others, and it would appear that the act of singing in a group creates a connection between participants, regardless of their age. Later in life, people’s musical preferences develop, and we come to see our favourite songs as part of our life stories.
Âm nhạc là thứ đồng hành cùng tất cả chúng ta trong suốt cuộc đời. Khi còn nhỏ, chúng ta được cha mẹ và giáo viên dạy các bài hát như một phương tiện học ngôn ngữ, hoặc đơn giản là một hình thức thưởng thức. Trẻ em thích hát với những người khác và dường như hành động hát trong một nhóm sẽ tạo ra sự kết nối giữa những người tham gia, bất kể chúng ở độ tuổi nào. Càng về sau, sở thích âm nhạc của mọi người càng phát triển và chúng ta xem các bài hát yêu thích như một phần trong câu chuyện cuộc đời mình.
Ở ví dụ trên, tác giả chỉ sử dụng các kiến thức phổ thông (cha mẹ và giáo viên dạy trẻ em hát, hát trong nhóm sẽ làm kết nối mọi người) là đã đủ để chứng minh luận điểm của mình. Ngoài ra, tác giả cũng trình bày các thông tin này liên quan chặt chẽ đến quan điểm chính:
Quan điểm: đồng hành suốt cả cuộc đời
- Thông tin 1: Trẻ em được dạy hát
- Thông tin 2: Hát kết nối mọi người, bất cứ độ tuổi nào.
- Thông tin 3: Càng lớn lên, xem âm nhạc như một phần trong cuộc đời.
Đưa ra lời giải thích
Sau khi đã đưa cho người đọc các thông tin để họ có thể thấy và hiểu được quan điểm của mình, người viết cần đưa ra lời giải thích tại sao các thông tin trong đoạn văn này đóng vai trò quan trọng trong cả bài văn. Nói cách khác, người viết có thể xem như đây là một mini-conclusion để kết luận lại đoạn văn của mình.
Ở giai đoạn này, người viết cần đọc lại quan điểm của mình và các thông tin (luận điểm) được đưa ra một lần nữa để xác nhận sự kết nối của chúng trong đoạn văn. Sau đó, người viết sẽ tổng kết đoạn văn của mình. Để tránh việc lặp lại quan điểm của mình (topic sentence), người viết cần trình bày lại quan điểm của mình nhưng phải sử dụng các thông tin đã được nêu ra trước đó.
Ví dụ:
Music both expresses and arouses emotions in a way that words alone cannot. In short, it is difficult to imagine life without it.
Âm nhạc vừa thể hiện vừa khơi dậy cảm xúc theo cách mà một mình ngôn từ không làm được. Tóm lại, thật khó để tưởng tượng cuộc sống mà không có nó.
Ở ví dụ trên, tác giả đã tổng hợp lại các thông tin đã được đưa ra bằng cách nói âm nhạc giúp thể hiện và khơi dậy cảm xúc mà từ ngữ không làm được (từ những thông tin như sự kết nối giữa mọi người, âm nhạc là câu chuyện của cuộc đời). Cuối cùng, người viết, một lần nữa, khẳng định sự quan trọng của âm nhạc trong câu cuối cùng của đoạn văn.
Tổng hợp cả 3 phần theo cấu trúc P.I.E:
Câu hỏi: Why do we need music?
Point (Quan điểm) |
Information (Thông tin) |
Explanation (Giải thích) |
Music is something that accompanies all of us throughout our lives. – Trả lời trực tiếp lí do tại sao chúng ta cần âm nhạc (vì nó đồng hành theo ta suốt cả đời). |
As children, we are taught songs by our parents and teachers as a means of learning language, or simply as a form of enjoyment. Children delight in singing with others, and it would appear that the act of singing in a group creates a connection between participants, regardless of their age. Later in life, people’s musical preferences develop, and we come to see our favourite songs as part of our life stories – Ba luận điểm để chứng minh cho việc âm nhạc đồng hành cùng ta suốt cả đời (tác giả phát triển ý tưởng từ trẻ em đến lớn hơn để chứng minh cho quan điểm “suốt cả đời”). |
Music both expresses and arouses emotions in a way that words alone cannot. In short, it is difficult to imagine life without it. – Tổng hợp lại lí do tại sao âm nhạc lại quan trọng và khẳng định lại quan điểm của tác giả. |
Kết luận
Thông qua bài viết này, tác giả hi vọng đã giới thiệu được cho người đọc khái niệm của cấu trúc P.I.E trong viết một đoạn văn và cách ứng dụng của cấu trúc này vào các dạng đề IELTS Writing task 2, cụ thể là dạng bài 2-part question.
Việc hiểu rõ cách ứng dụng cấu trúc P.I.E vào IELTS Writing task 2 giúp người viết hình dung được cấu trúc của một đoạn văn. Từ đó, thấy được điểm mạnh, yếu của đoạn văn của mình và có phương hướng điều chỉnh phù hợp.
Nguyễn Tiến Thành
Xem thêm: Ứng dụng phân tích các vế câu phức trong đề bài IELTS Writing Task 2